Đang thực hiện

HÀ LAN - PHÁT TRIỂN CAO TRÊN NỀN ĐẤT THẤP

Vương quốc Hà Lan là một nước Tây Âu, có bờ biển dài 1075km, diện tích tự nhiên 41.526 km2, trong đó diện tích lục địa 33.873 km2.
" Thượng đế tạo ra trái đất ", người Hà Lan "tạo ra một nước đất trũng" đó là đặc điểm và là bản lĩnh dân tộc Hà Lan.

Ở Hà Lan, "lợi ích thương mại cao hơn tất cả, quan trọng hơn tất cả". Trong nhiều thập kỷ, Hà Lan đã thi hành quốc sách cơ bản của mình là " thương mại lập quốc". Từ thế kỷ 17, với dân số chỉ có 2 triệu người, Hà Lan đã có đội thương thuyền lớn nhất, trở thành một nước buôn bán và thực dân hùng mạnh nhất thế giới.

Nền nông nghiệp được đầu tư kết cấu hạ tầng đứng hàng đầu thế giới.

Vì thiếu đất canh tác, Hà Lan thực thi chiến lược "đầu tư cao-sản xuất nhiều", là một đặc trưng nổi bật của nền nông nghiệp Hà Lan.
+ Hệ thống thuỷ lợi và phòng chống lũ có tiêu chuẩn an toàn cao.
Đập ngăn mặn ở cửa biển Zuiderzee tạo nên hồ nước ngọt lớn Ijsselmeer...Công trình " tam giác châu " hoàn thành, đã làm cho đê chống lũ, đê sông nội đồng có chiều dài tới 2800 km, đạt tiêu chuẩn an toàn cao nhất thế giới. Mạng lưới kênh rạch chằng chịt bảo vệ đồng ruộng, đảm bảo đồng ruộng dù thấp hơn mực nước biển tới 4-6m vẫn được sản xuất theo công nghệ cao, được coi là kỳ quan của thế giới.

+ Diện tích nhà kính lớn nhất thế giới
Diện tích nhà kính của Hà Lan gần 11000 ha, chiếm 25% tổng diện tích nhà kính thế giới. Nhà kính tập trung liền vùng, thiết bị hiện đại, như một thế giới của " thành phố nhà kính ", đã sản xuất ra những loại hoa, rau, củ hoa tuylip cung cấp cho loài người.
Nền nông nghiệp Hà Lan là một nền nông nghiệp tạo ra ngoại tệ.
Lợi thế so sánh là 1 biến số, nhất là nông nghiệp là ngành chịu nhiều rủi ro nhất trước những biến động về thị trường, thiên tai, dịch bệnh.v.v..Nền nông nghiệp phụ thuộc quá cao vào xuất khẩu, dễ gặp rủi ro, chịu tác động lớn của sự biến động thị trường quốc tế, bởi vậy, Chính phủ, doanh nghiệp, Hiệp hội sản xuất phải bắt mạch được nền kinh tế thế giới, cập nhật thông tin, kịp thời điều chỉnh cơ cấu sản xuất.

Ở Hà Lan, xuất phát từ lợi ích so sánh, có loại sản phẩm có hệ số tự túc rất thấp (như lương thực chỉ 25%), ngược lại có loại rất dư thừa (thịt lơn 283%, thịt bò 160%, gà 221%, trứng gà 253%, pho mát 224%, bơ 153%, rau 256%, khoai tây 145%, đường 194%), phải xuất khẩu lớn. Chỉ cần có tín hiệu về lợi nhuận, sản xuất sẽ được gia tăng.
Nhu cầu tiêu dùng quốc tế phức tạp hơn nhiều so với thị trường trong một nước. Thị hiếu người tiêu dùng thế giới yêu cầu đa dạng hoá, mặt hàng luôn được đổi mới, tiện ích gia tăng, do đó phải không ngừng đổi mới công nghệ.
Hà Lan có chủ trương khai thác nguyên liệu quốc tế, sử dụng tài nguyên thế giới để bổ xung tài nguyên hiếm hoi của mình để phát triển sản xuất hàng hoá có hiệu quả kinh tế cao. Với chủ trương đó, việc nhập khẩu nông sản và nguyên liệu của Hà Lan có ý đồ rõ ràng về khai thác tài nguyên quốc tế, mà xuất khẩu cũng có mục tiêu kinh tế-xã hội rõ ràng: tạo thêm việc làm, tăng thu nhập quốc dân.

Kết cấu hạ tầng là cơ sở vật chất của kỳ tích nông nghiệp Hà Lan, đảm bảo nền nông nghiệp phát triển bền vững.

- Công trình thuỷ lợi
"Thượng đế tạo ra trái đất", nhưng mảnh đất Hà Lan đã hứng chịu những uy hiếp của thiên tai khắc nghiệt. Mỗi thế kỷ, Hà Lan đều chịu đựng 1 đến 2 lần tập kích cực lớn triều cường. Các dòng sông cũng thường gây ngập úng. Từ thế kỷ thứ 4, vùng này đã có đê nhân tạo. Bắt đầu từ thế kỷ thứ 10, đã xây dựng đê bao để lập điền. Ban đầu là các biện pháp tiêu úng nội đồng, vào khoảng năm 1400, bắt đầu sử dụng cối xay gió để tiêu nước. Cũng vào thời kỳ đó, đại dương đã nuốt chửng lục địa Hà Lan. Biển Zuidergee là hậu quả của nước biển dâng làm ngập vùng đất trũng tạo nên. Năm 1287, Bắc Hải phá huỷ vùng đất ven bờ, làm ngập vùng đất trũng, từ đó Bắc Hải tạo ra 1 vịnh biển cắm sâu vào đất liền, diện tích 338.800 ha. ở miền Nam, biển cũng xâm nhập trên diện rộng. Trong mấy thế kỷ liền, diện tích đất bị biển lấn còn lớn hơn diện tích đất khai khẩn từ biển. Năm 1916, Bắc Hải đã chịu đã chịu tác động của cơn cuồng phong, nhấn chìm giải đất phía Bắc Amsterdam. Sau đó, Hà Lan đã ban hành luật xây dựng đập lớn ngăn biển và các cửa tiêu nước. Công trình này do công trình sư Comelis Lely thiết kế. Năm 1932 hợp long, đê rộng 90m, cao 12m, dài 32,5 km. Sau khi đập này làm xong, nước được tiêu ra biển, được nước sông Ijsselmeer bồi đắp, tạo thành hồ nước ngọt, diện tích 120.000 ha gọi là hồ Ijsslmer, tiếp đó cải tạo được 4 vùng đất trũng, diện tích 165.000 ha.Vào thế kỷ 20, trận lũ đại hồng thuỷ tàn khốc nhất đã xảy ra vào ngày 1/2/1953, nước biển đã nhấn chìm 200.000 ha đất, làm 1835 người thiệt mạng, sau đó Hà Lan đã ban hành luật xây dựng " công trình tam giác châu ".
Năm 1995, Chính phủ Hà Lan quyết định xây dựng công trình chỉnh trị dòng sông, hoàn thành vào năm 2015, vốn đầu tư 500 triệu Eurô. Để phòng chóng thiên tai khắc nghiệt, Chính phủ đã quy định những tiêu chuẩn an toàn của các công trình thuỷ lợi ở mức hiếm có trên thế giới. Tiêu chuẩn an toàn đập ngăn mặn có tần xuất " 1 vạn năm 1 lần ", tiêu chuẩn an toàn các để sông có tần xuất " 1250 năm 1 lần". Đến năm 1997, đã hoàn thành 15 công trình phòng chống lũ tốn 9 tỉ USD. Năm 1996, Quốc hội đã ban hành luật về nước, trong đó đã quy định các cấp chính quyền cứ năm 5 một lần phải tổ chức một lần khảo nghiệm kỹ thuật với đê lớn.

Nhà nước coi trọng nhiệm vụ cải tạo đất, hàng năm đầu tư 140 triệu Eurô, bình quân 4000 Eurô/ha năm. Nhà nước còn tài trợ chỉnh lý đất đai, biến các thửa ruộng nhỏ liên kết thành thửa lớn liền nhau, xây dựng hệ thống kênh rạch, đảm bảo yêu cầu cơ giới hoá.

Động mạch lớn của nền kinh tế là mạng lưới giao thông hiện đại được hoàn chỉnh. Hà Lan có 2800 km đường sắt, 110.000 km đường bộ, trong đó có 2400 km đường cao tốc. Đường hàng không đứng thứ 9 thế giới, với 80 hãng hàng không có 230 tuyến bay đến khắp các nước.

Quỹ đất ít, "tấc đất, tấc vàng", Hà Lan đã áp dụng công nghệ "dùng vốn thay đất". Để tạo ra hiệu suất cao của đất, ở Hà Lan, đã hình thành hệ thống nhà kính với công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới. Nhà kính đã tiết kiệm đất (thậm chí có nơi không dùng đất ), lại có thể khống chế hoàn toàn điều kiện tự nhiên. Trong nhà kính đã lắp đặt các thiết bị hiện đại, tự động hoá, thông qua máy tính và hệ thống máy móc khác để điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, chiếu sáng, nước, thức ăn trong nhà kính, tạo ra một môi trường ưu việt, loại trừ hoàn toàn các yếu tố bất lợi của điều kiện tự nhiên (Hà Lan vốn là một nước không sản xuất được phong lan, nhưng nhờ nhà kính khắc phục được những trở ngại đến sự sinh trưởng phát triển của hoa lan nhiệt đới, á nhiệt đới, nên những năm gần đây Hà Lan đã sản xuất được 200 triệu hoa lan, đứng thứ 9 thế giới ).

Tốc độ phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp Hà Lan được xếp vào những nước hàng đầu thế giới, đặc biệt là thành tựu tạo giống và nhà kính, với phương thức đầu tư tập trung vốn và chất xám, theo hướng đầu tư cao, thu nhập cao, hiệu suất cao.
Với quỹ đất ít, Hà Lan áp dụng công nghệ "tăng diện tích đất", tập trung áp dụng các biện pháp thâm canh cao, nâng cao năng suất trên đơn vị diện tích, tạo ra năng suất cao gấp nhiều lần năng suất bình quân thế giới.

Sức sống của kinh tế trang trại nông nghiệp Hà Lan bắt nguồn từ những đặc trưng độc đáo sau đây:

+ Phần lớn kinh tế trang trại của nông dân là trang trại gia đình:
Chế độ kinh tế của Hà Lan quyết định tính chất doanh nghiệp nông nghiệp Hà Lan. Cơ sở của nền nông nghiệp Hà Lan là các trang trại gia đình (family farms) theo chế độ tư hữu. Tỉ lệ sở hữu đất tự có tương đối lớn, còn các trang trại dựa vào thuê đất để sản xuất kinh doanh chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Nhưng do quỹ đất nhỏ bé bình quân đất theo đầu người ít,việc mở rộng quy mô trang trại không dễ, biện pháp khả thi vẫn phải nhờ một phần vào đất thuê.

Hà Lan là nước có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, đảm bảo các chủ trang trại có toàn quyền quyết định hoạt động sản xuất và quyền định đoạt tài nguyên của mình, khuyến khích chủ trang trại hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận tối đa. Các chủ trang trại phải nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên có hạn, không ngừng đổi mới, thích ứng kịp tình hình biến động cơ cấu, công nghệ, hạn chế rủi ro về thiên nhiên và thị trường, nếu không, sẽ bị phá sản.

Tính ưu việt của lao động gia đình trong trang trại là giảm được "giá thành giám sát". Nhiều ngành sản xuất nông nghiệp làm ăn lúc vất vả, lúc nhàn rỗi, có tính thời vụ nghiêm ngặt, nếu thuê lao động sẽ gặp trở ngại lớn là sử dụng lao động không đầy đủ và rất khó giám sát. Có nhiều nhà kinh tế còn cho rằng sản xuất nông nghiệp không thích hợp sử dụng lao động làm thuê. Các nước Châu Âu đều có cách làm giống nhau là lao động sử dụng trong trang trại chủ yếu là thành viên trong gia đình, tỉ lệ lao động làm thuê rất ít. Theo G.H.Schmitt thì trong EU, tỉ lệ lao động làm thuê năm 1985 chỉ 7,4%, trừ Anh 50,3%, ở Đan Mạch, Pháp 19%, còn phần lớn các nước đều dưới 9%.

Ở Hà Lan, tỉ lệ lao động gia đình/lao động thuê là 1/0,44. Tuy nhiên, tuỳ loại việc, tỉ lệ này có khác nhau. Chẳng hạn, sản xuất trong nhà kính, công việc được phân công rõ, "giá thành giám sát" thấp, tỉ lệ người làm thuê có thể cao hơn.

Các nước phát triển đều trải qua quá trình biến đổi cơ cấu kinh tế nông thôn. Thoạt đầu là kinh tế tiểu nông, sản xuất tự cấp, tự túc, hiệu suất rất thấp. Do phân công xã hội ngày càng rõ, hiệu suất lao động ngày càng tăng, công nghệ ngày càng tiến bộ, đô thị ngày càng phát triển, giao thông đi lại ngày càng thuận tiện, kinh tế hàng hoá phát triển, vốn được tích luỹ, kinh tế hộ tiểu nông chuyển dần sang hộ sản xuất hàng hoá nhỏ, tiếp đó chuyển sang hộ sản xuất hàng hoá chuyên môn hoá, rồi dần dần chuyển thành trang trại lớn hiện đại, sản xuất vì lợi nhuận, tạo nên dạng kinh tế tổ hợp " nông-công-thương " (agribusiness hoặc agri complex). Nền tảng của sức cạnh tranh quốc tế của nông nghiệp Hà Lan là những tổ hợp nông-công-thương, trong đó tế bào cấu thành những tổ hợp này chính là những trang trại gia đình tràn đầy sức sống.

+ Các trang trại được tích tụ ruộng đất để có quy mô đủ lớn, gắn liền với quá trình tạo việc làm phi nông nghiệp, đủ sức thu hút nông dân "ly nông", giảm thiểu nhanh số lượng nông dân và giải thể các trang trại nhỏ, làm ăn kém hiệu quả.
Quy mô trang trại ở Hà Lan ngày càng mở rộng, đó là hệ quả tất yếu của việc giảm số lượng trang trại, đó cũng là một nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động nông nghiệp ở Hà Lan.

Chuyên môn hoá cao độ là đặc trưng nổi bật của trang trại gia đình ở Hà Lan. Mở rộng quy mô trang trại dù về trồng trọt hay chăn nuôi đều gặp khó khăn trăm bề, phải tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mà theo kinh nghiệm của Hà Lan, phải dựa vào chuyên môn hoá.

Từ thế kỷ 19, ở Hà Lan đã có trang trại chuyên môn hoá. Số trang trại kinh doanh đa ngành nghề (kinh doanh hỗn hợp) ngày càng giảm, năm 1980 là 12,7%, năm 2001 chiếm 9,5%, từ 9600 trang trại sau 10 năm, giảm xuống còn 6000 trang trại. Năm 2001, trang trại chuyên môn hoá chiếm tỉ trọng trên 90%, là hiện tượng hiếm thấy trên thế giới.

Tỉ lệ trang trại chuyên môn hoá cao, là một nguyên nhân cực kỳ quan trọng đảm bảo hiệu suất sản xuất và năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Hà Lan hơn hẳn nhiều nước khác trên thế giới.

Việc chuyên môn hoá cũng tạo ra mặt trái là tăng độ rủi ro thị trường, yêu cầu các trang trại phải cập nhật thông tin, đồng thời cũng cần sự hỗ trợ về tư vấn công nghệ, tài chính, pháp luật, và các dịch vụ khác, ngoài ra còn cần sự hỗ trợ của hợp tác xã, các Hiệp hội và các cấp chính quyền.

Với những đặc trưng trên đây, trang trại nông nghiệp của Hà Lan là một chủ thể sản xuất kinh doanh sản xuất hàng hoá, thực chất là một doanh nghiệp nông nghiệp, hoạt động trong cơ chế thị trường, hội nhập hoàn toàn vào thị trường thế giới, đọ sức với mọi thách thức trong cạnh tranh quốc tế.
 

Hà Lan đích thực là một tấm gương của thế giới, xứng đáng được thế giới ngưỡng mộ và học tập, là niềm tự hào không chỉ cho người dân Hà Lan mà cũng là niềm tự hào của loài người trong quá trình chinh phục thiên nhiên, vì lợi ích con người./.

 

(Trích Tài liệu Nghiên cứu Hà Lan của Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn)


 

Hỏi đáp

Đạm Ninh Bình giải đáp các câu hỏi về việc sử dụng phân bón và phòng trừ sâu bệnh cho nhà nông.

ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

  • đoi tác 3
  • đối tác 5
  • Phân bón Phú Điền
  • Công ty hóa chất miền Nam
  • Công ty công nghiệp hóa chất Đà Nẵng
  • Công ty phân bón và hóa chất Cần Thơ
  • Công ty xuất nhập khẩu hóa chất
  • Tập đoàn Hóa chất Việt Nam