Đang thực hiện

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Đổi mới – Dân chủ - Đoàn kết – Phát triển

(Chinhphu.vn) – Hôm nay (1/12), Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 khai mạc tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.100 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn trong cả nước. Đại hội sẽ tập trung thảo luận về 3 khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn.

 
01/12/2023  10:56
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Đổi mới – Dân chủ - Đoàn kết – Phát triển- Ảnh 1.

1.100 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn trong cả nước dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam- Ảnh: VGP/TC

Đại hội là sự kiện chính trị trọng đại của giai cấp công nhân và người lao động, có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tổ chức công đoàn, nhất là sau 10 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012, hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về 'Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới'. Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Với phương châm 'Đổi mới-Dân chủ-Đoàn kết-Phát triển', Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; xác định mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2023-2028; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII, bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII; đánh giá việc thi hành và thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).

Trong sáng nay (1/12), Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn cùng toàn thể đại biểu Đại hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài liệt sỹ Bắc Sơn, sau đó bước vào phiên làm việc thứ nhất.

Dự kiến, Đại hội sẽ cho ý kiến thảo luận về 3 khâu đột phá gồm: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Đổi mới – Dân chủ - Đoàn kết – Phát triển- Ảnh 2.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn cùng toàn thể đại biểu Đại hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng 1/12 - Ảnh: VGP/TC

Trước thềm đại hội, 10 diễn đàn chuyên đề đã được tổ chức để đại biểu bàn về 10 nội dung lớn trong hoạt động của Công đoàn Việt Nam.

Tại phiên thứ nhất, Đại hội bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội; thông qua chương trình làm việc và quy chế của Đại hội; báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội; trình bày tổng quát Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình Đại hội; báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII; báo cáo về sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Phát biểu khai mạc ngày làm việc đầu tiên của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII Nguyễn Đình Khang đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ với tất cả tâm huyết, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện tốt nhất nội dung, chương trình, quy chế Đại hội, góp phần vào thành công của Đại hội.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết: Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Công đoàn Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn so với dự báo. Tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống, trong đó có việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động và hoạt động công đoàn.

Trong bối cảnh đó, với quyết tâm vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống, tinh thần năng động, sáng tạo, vì đoàn viên, người lao động, các cấp Công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, tổ chức thực hiện và hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

'Trong những ngày này, hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn và người lao động cả nước đang hướng về Đại hội, gửi trọn niềm tin và đặt kỳ vọng vào những quyết định sáng suốt của Đại hội. Tôi đề nghị mỗi đại biểu tập trung trí tuệ với tất cả tâm huyết, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện tốt nhất nội dung, chương trình, quy chế Đại hội, góp phần vào thành công của Đại hội', đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Đổi mới – Dân chủ - Đoàn kết – Phát triển- Ảnh 3.

Đại hội sẽ cho ý kiến thảo luận về 3 khâu đột phá - Ảnh: VGP/TC

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 1 - 3/12 năm 2023, có nhiệm vụ đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh, kiểm điểm vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn 5 năm tới; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn; bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa mới thực sự tiêu biểu về phẩm chất, chính trị, đạo đức, năng lực công tác, có bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Chiều cùng ngày, Đại hội thảo luận tại 10 Trung tâm thảo luận.

Đại hội có 1.100 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn trong cả nước. Đại biểu khu vực hành chính sự nghiệp chiếm 55,48%; đại biểu khu vực sản xuất, kinh doanh chiếm 44,52%; đại biểu là cán bộ công đoàn chuyên trách chiếm 54,38%; đại biểu là cán bộ công đoàn không chuyên trách và lao động sản xuất trực tiếp chiếm 45,62%; đại biểu là nữ chiếm 37,05%; đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm 6,27%; đại biểu là đảng viên chiếm 78,43%; đại biểu dự đại hội cao tuổi nhất là 71; ít tuổi nhất là 26. Về trình độ chuyên môn: Đại biểu có trình độ sau đại học (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ) chiếm 35,39%; đại biểu có trình độ đại học, cao đẳng chiếm 51,06%; đại biểu có trình độ trung cấp trở xuống chiếm 13,55%.

Thu Cúc
Nguồn: baochinhphu.vn

Tin khác

Hỏi đáp

Đạm Ninh Bình giải đáp các câu hỏi về việc sử dụng phân bón và phòng trừ sâu bệnh cho nhà nông.

ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

  • đoi tác 3
  • đối tác 5
  • Phân bón Phú Điền
  • Công ty hóa chất miền Nam
  • Công ty công nghiệp hóa chất Đà Nẵng
  • Công ty phân bón và hóa chất Cần Thơ
  • Công ty xuất nhập khẩu hóa chất
  • Tập đoàn Hóa chất Việt Nam