Đang thực hiện

Hiệu ứng Thuế tự vệ tạm thời

Kể từ 19/8 tới đây, sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu vào thị trường Việt Nam sẽ chịu mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 đồng/tấn.

Sau hơn 4 tháng điều tra, Bộ Công Thương đã có Quyết định 3044/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với các sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu có mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00.

Theo đó, mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 đồng/tấn được áp dụng từ ngày quyết định có hiệu lực 19/8 tới.

Bộ Công Thương cho hay, biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng trong khoảng thời gian không quá 200 ngày kể từ ngày có hiệu lực. Biện pháp này sẽ chấm dứt hiệu lực sau ngày 06/3/2018 hoặc Bộ Công Thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.

Trước đó, vào ngày 12/5/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1682A/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu vào Việt Nam.

Hàng hóa nhập khẩu gây khó dễ cho sản xuất trong nước

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2016 Việt Nam nhập khẩu 4,15 triệu tấn phân bón, tương ứng 1,1 tỷ USD.  6 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu phân bón các loại  đạt 2,34 triệu tấn, trị giá 628 triệu USD, tăng 23,7% về khối lượng và tăng 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. 

Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu trong 6 tháng đầu năm 2017 đến từ Trung Quốc.

Phân bón nhập khẩu không ngừng gia tăng vào thị trường nội địa đã gây khó khăn cho sản xuất trong nước. Năm 2016, sản lượng sản xuất của ngành giảm gần 47% so với năm 2015, trong khi lượng nhập khẩu chỉ giảm 11,6% từ 1,2 triệu tấn năm 2015 xuống khoảng gần 1,1 triệu tấn năm 2016.

Như vậy trong năm 2016 mức gia tăng tương đối giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước là 35,4%.
Điều này là do tình trạng tồn kho tăng cao của các nhà máy sản xuất DAP và MAP của Trung Quốc cùng với tình trạng hạn hán, ngập mặn ở khu vực Nam Bộ, dẫn đến nông dân cắt giảm nhu cầu trồng trọt và sử dụng phân bón. Trước tình trạng đó, lượng hàng hóa sản xuất trong nước giảm sâu tới 4 lần so với lượng suy giảm của hàng hóa nhập khẩu.

Trong năm 2016, giá bán của hàng hóa nhập khẩu giảm 17% mặc dù chi phí nhập khẩu tăng 30% điều này gây áp lực cạnh tranh buộc hàng hóa sản xuất trong nước phải giảm giá theo (mức giảm khoảng 21%) mặc dù giá thành sản phẩm tăng 15,83%.


Giá phân bón “tăng nhiệt”

Khảo sát thị trường ngày 8/8 cho thấy, giá DAP trên thị trường đã “nhảy” lên mức 1,5 – 1,9 triệu đồng/tấn (tức tăng 1.500 – 1.900 đồng/kg). Là nguyên liệu chính sản xuất phân NPK (gồm Urê, DAP và Kali), DAP đã đẩy giá của loại phân này tăng lên 300.000 – 500.000 đồng/tấn, tùy theo công thức hàm lượng phối trộn.

Ông Trần Văn Châu – Tổng Giám đốc công ty Xuất Nhập khẩu phân bón Âu châu (Long An) – cho biết: “Mới cách đây một tuần, giá DAP dao động ở mức 9.500 – 10.000 đồng/kg, nay đã tăng lên 11.800 – 12.000 đồng/kg. Hôm 6/8, tôi có đặt mua lại hơn 30 tấn phân DAP 18 – 46 vàng tan nhanh tại Liễu Châu (Trung Quốc) với giá 11.800 đồng/kg, tăng khoảng 1.900 đồng/kg so với trước đó”.

Theo các nhà phân phối, giá các loại DAP đã bắt đầu rục rịch tăng từ đầu tháng 8/2017. Hiện tại, giá DAP 18 – 46 của Hàn Quốc vào khoảng 12.500 đồng/kg; DAP của Nga có giá 9.500 đồng/kg; DAP 18 – 46 của Trung Quốc khoảng 9.000 đồng/kg, DAP 16 – 44 là 8.800 đồng/kg; DAP 16 – 45 của hai đơn vị Đình Vũ và Lào Cai khoảng 8.000 đồng/kg.

“Giá DAP đã bắt đầu tăng từ 1.500 đồng/kg trở lên nhưng do yếu tố mùa vụ, thời tiết (chưa vào vụ bón phân) nên thị trường chưa hút hàng mạnh. Giá phân bón sẽ ‘nhảy múa’ khi vào cao điểm, bắt đầu vào đầu tháng Chín”, chị Minh Huyền – chủ một đại lý phân bón – nhận định.

Theo các chuyên gia, việc áp thuế tự vệ tạm thời sẽ làm cho lượng phân bón DAP, MAP nhập khẩu giảm và giá nhập khẩu các sản phẩm này tăng lên. Như vậy, giá bán các loại phân bón có DAP là thành phần chính trên thị trường nội địa sẽ tiếp tục bị đẩy lên trong thời gian tới.

Chủ tịch HĐQT công ty Phân bón Hà Lan – ông Trần Dũng – nhận định, dù hàng nhập khẩu tăng giá do thuế, các công ty sản xuất phân bón cũng khó có thể chuyển sang mua DAP nội địa vì DAP nội chỉ sản xuất được một số mặt hàng, còn lại vẫn phải mua nguyên liệu nhập để bảo đảm chất lượng.

“Hiện vụ mùa đã hết, giai đoạn tiêu thụ phân bón không lớn nên giá bán tạm thời vẫn giữ nguyên. Nhưng thời gian tới, chúng tôi buộc phải tính toán tăng giá theo mức tăng của nguyên liệu. Nếu cộng thêm thuế tự vệ, giá phân DAP sẽ tăng khoảng 1.900 đồng/kg, phân NPK (40% DAP tăng gần 800 đồng/kg”, ông Dũng cho biết.

Quyết định áp thuế tự vệ tạm thời với phân DAP và MAP nhập khẩu với mức thuế gần 1,86 triệu đồng/tấn đang trở thành “cứu cánh” cho các doanh nghiệp phân bón nội địa. Trong hơn hai tháng, từ 12/5 đến 4/8 (khoảng thời gian ra quyết định điều tra cho đến khi áp dụng thuế tự vệ), cổ phiếu của các doanh nghiệp phân bón liên tục “tạo sóng”.

Cụ thể, giá cổ phiếu QBS của công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Quảng Bình đã tăng 50% (từ 7.090 đồng lên 10.700 đồng); giá cổ phiếu DDV của công ty Cổ phần DAP – VINACHEM tăng hơn 27% (từ 6.300 đồng lên 8.000 đồng). Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/8, giá cổ phiếu QBS đã tăng trần, đóng cửa ở mức 11.400 đồng, còn cổ phiếu DDV tăng từ 7.800 đồng lên 7.900 đồng.

Ngoài ra, giá cổ phiếu của hai doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dẫn đầu ngành là Phân bón Dầu khí Cà Mau và Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng có những chuyển biến tích cực.

Thực tế, DAP và MAP là thành phần sản xuất các loại phân bón chính được sử dụng hiện nay nên khi sản phẩm này tăng giá sẽ ảnh hưởng đến nông dân và sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, các bộ, ngành, cơ quan quản lý sẽ cần cân nhắc để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi người nông dân.

Theo Thời báo Kinh doanh và Báo Đầu tư
 
 
 

Hỏi đáp

Đạm Ninh Bình giải đáp các câu hỏi về việc sử dụng phân bón và phòng trừ sâu bệnh cho nhà nông.

ĐỐI TÁC CỦA CHÚNG TÔI

  • đoi tác 3
  • đối tác 5
  • Phân bón Phú Điền
  • Công ty hóa chất miền Nam
  • Công ty công nghiệp hóa chất Đà Nẵng
  • Công ty phân bón và hóa chất Cần Thơ
  • Công ty xuất nhập khẩu hóa chất
  • Tập đoàn Hóa chất Việt Nam