Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Đinh Việt Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Việt Anh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Bùi Mai Hoa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành, hội, đoàn thể; lãnh đạo các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn.
* Tại huyện Yên Khánh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và Đoàn công tác đã đến thăm, động viên lãnh đạo, cán bộ, công nhân Nhà máy đạm Ninh Bình thuộc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tại Khu công nghiệp Khánh Phú; Nhà máy kính CFG Ninh Bình thuộc Công ty TNHH Kính nổi Hạ Long - CFG tại Khu công nghiệp Khánh Cư.
Đại diện các doanh nghiệp đã báo cáo tóm tắt tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Theo đó, năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực vươn lên, tích cực khai thác tối đa năng lực sản xuất hiện có, chủ động tìm kiếm thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Cụ thể: Năm 2023, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã sản xuất 428 nghìn tấn urê, doanh thu đạt trên 4 nghìn tỷ đồng, là mức doanh thu cao kỷ lục thứ 3 kể từ khi Nhà máy đi vào hoạt động. Hiện Nhà máy đang tạo việc làm cho gần 1.000 lao động, với mức lương bình quân trên 14 triệu đồng/người/tháng.
Nhà máy kính CFG Ninh Bình đang tạo việc làm cho hơn 800 lao động với mức lương bình quân gần 9 triệu đồng/người/tháng, doanh thu năm 2023 đạt 2.495 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu 4,2 triệu USD, nộp ngân sách hơn 21 tỷ đồng. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cán bộ, công nhân và người lao động của các đơn vị đã trở lại lao động sản xuất.
Bày tỏ cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, đại diện các doanh nghiệp cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì sản xuất, luôn quan tâm đến người lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước.
Phấn khởi trước kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan của các nhà máy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa, chung sức, đồng lòng, năng động, sáng tạo và phát động sâu rộng phong trào thi đua, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh với một khí thế mới, quyết tâm cao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới nhằm bảo đảm tăng trưởng cao hơn trong năm 2024.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt biểu dương Nhà máy Đạm Ninh Bình, trước đây, Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình từng là một trong 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương; đã có thời điểm, Nhà máy gặp khó khăn trong sản xuất, công nghệ, tiêu thụ, hoạt động cầm chừng, tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và đặc biệt là sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty Đạm Ninh Bình, đến nay Nhà máy đã hoạt động có lãi. Đây thực sự là một kỳ tích, minh chứng cho hiệu quả của những chủ trương đúng, trúng, kịp thời của Đảng, Chính phủ.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới, Nhà máy tiếp tục tổ chức lại quản lý sản xuất, giảm chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; xử lý triệt để các vấn đề liên quan khí thải, nước thải, xây dựng đơn vị xanh, sạch, đẹp. Về các kiến nghị của đơn vị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp giải đáp, đồng thời giao các cấp có thẩm quyền tiếp thu, xử lý, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
Cũng tại huyện Yên Khánh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cùng Đoàn công tác đã đi thăm vùng chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu tại xã Khánh Thành. Cụ thể, hiện vùng trồng rau màu, dược liệu có diện tích hơn 70 ha cho thu nhập gấp 5-10 lần so với trồng lúa, riêng vùng trồng ổi gấp tới 20-30 lần.
Ổi Khánh Thành hiện đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đặc biệt, để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, giống, vốn cũng như tiêu thụ sản phẩm, những nông dân ở đây đã tập hợp, cùng nhau thành lập nên HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản Khánh Thành. Sản phẩm nông sản của HTX đang được bày bán tại 2 cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiêu thụ rộng rãi ở nhiều thành phố lớn khác.
Đánh giá cao sự cần cù, chịu khó, mạnh dạn, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của bà con nông dân cũng như chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh trong thời gian tới địa phương cần tổng kết, rút kinh nghiệm và chia sẻ với các địa phương khác để nhân ra diện rộng.
Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác quy hoạch ở các vùng chuyển đổi, không để xảy ra xung đột về thủy lợi, điều tiết nước giữa các vùng sản xuất, đồng thời làm tốt công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con nông dân.
* Tại huyện Kim Sơn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và Đoàn đã tới thăm, động viên hoạt động ra quân đầu xuân của các cán bộ, kỹ sư, công nhân đang thi công Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn II).
Dự án có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2024. Đến nay, huyện Kim Sơn đã bàn giao mặt bằng 7,06/7,33 km để triển khai thi công phần đường và phần cầu phía bờ Ninh Bình. Nhà thầu hiện đang thi công phần cầu vượt sông Càn; đường, thoát nước với giá trị thực hiện đạt gần 30 tỷ đồng. Tổng số vốn đã bố trí cho dự án là trên 330 tỷ đồng. Giá trị đã giải ngân là 100 tỷ đồng.
Qua trao đổi, nắm bắt tình hình tiến độ, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất trong triển khai thi công, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của chủ đầu tư, chính quyền địa phương, nhà thầu thi công, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư, công nhân đã làm việc hăng say, trách nhiệm, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
Nhấn mạnh, đây là công trình quan trọng, tạo không gian, quỹ đất thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đồng chí đề nghị, trong thời gian tới các đơn vị tăng cường phối hợp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng, thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng kỹ, mỹ thuật công trình. Quyết tâm thi công đảm bảo tiến độ, xong trước ngày 31/12/2024.
* Tại huyện Yên Mô, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc và Đoàn công tác đã đến thăm, động viên cán bộ, công nhân viên Nhà máy giầy Athena thuộc Công ty TNHH Giầy Athena Việt Nam, tại xã Yên Lâm.
Là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất gia công giầy dép xuất khẩu, năm 2023, doanh thu của Công ty đạt trên 1.265 tỷ đồng, nộp ngân sách 5,2 tỷ đồng. Hiện Công ty đang giải quyết việc làm cho gần 9.400 lao động với thu nhập bình quân 6,7 triệu đồng/người/tháng.
Tại đây, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hoạt động thăm, kiểm tra sản xuất đầu xuân là truyền thống văn hóa của người Việt, có ý nghĩa động viên tinh thần, khích lệ các đơn vị năm mới có bước phát triển mới.
Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của Công ty TNHH Giầy Athena Việt Nam, trong quá trình đầu tư, phát triển đã có những đóng góp quan trọng, tạo việc làm và đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh, đồng chí khẳng định: Tỉnh Ninh Bình luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Mong muốn thời gian tới Công ty tích cực đổi mới quản lý, ứng dụng công nghệ vào sản xuất; xây dựng văn hóa doanh nghiệp; chủ động thực hiện tốt nghĩa vụ về thuế, các chế độ, chính sách đối với người lao động và quan tâm hơn nữa tới công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Nhân dịp đầu xuân mới, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc gửi lời chúc các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Nguyễn Lựu-Đức Lam-Anh Tú
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/